Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 13 KCN với tổng diện tích 3.685 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Trong đó 3 KCN: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối và Thăng Long II đã đi vào hoạt động bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.
Với lợi thế sẵn có, những chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi dự án đầu tư của tỉnh và nỗ lực của các ngành, đơn vị hữu quan tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, các KCN tỉnh đã đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết quý I vừa qua, các KCN tỉnh thu hút được 215 dự án còn hiệu lực, trong đó 121 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 94 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,84 tỷ USD và hơn 8,6 nghìn tỷ đồng. Các KCN đã cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê (giai đoạn I). Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh có nhiều tiến bộ. Hiện nay, 180 dự án trong các KCN đã đi vào hoạt động, chiếm 83,7% số dự án đầu tư còn hiệu lực gồm: 100 dự án FDI và 80 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư thực hiện là 1.550 triệu USD, bằng 84% tổng vốn đầu tư đăng ký và 7.020 tỷ đồng bằng 81,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. So với giai đoạn đầu (2003 – 2007), tổng vốn đầu tư của các dự án FDI trong KCN tăng gần 6 lần và suất vốn đầu tư đăng ký bình quân đạt hơn 15,2 triệu USD/dự án, tăng hơn 1,5 lần. Số lượng dự án FDI trong các KCN chỉ chiếm khoảng 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh nhưng tổng vốn đầu tư FDI trong các KCN lại chiếm hơn 75% tổng vốn FDI toàn tỉnh.
Có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án FDI đầu tư vào các KCN tỉnh, trong đó có nhiều nước phát triển với trình độ công nghệ, KHKT tiên tiến như: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc… Bởi vậy phần lớn dự án đầu tư vào các KCN tỉnh chủ yếu là các ngành lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như: Sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử; cơ khí chế tạo, lắp ráp máy móc, thiết bị; sản xuất thép và các sản phẩm từ thép. Trong đó có không ít dự án có vốn đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao của các tập đoàn kinh tế lớn như: Dự án sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử kỹ thuật cao của Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký là 128 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất nhôm của Công ty TNHH nhôm Hyundai Aluminium Vina 78 triệu USD. Các dự án này như cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và học hỏi những công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến của các nước phát triển, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng năm 2013, doanh thu của các dự án đầu tư trong các KCN tỉnh ước đạt 3 tỷ USD và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước tỉnh khoảng 850 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định trên 27,6 nghìn lao động.
Một thành công nữa là các KCN tỉnh ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, đánh giá cao sau một thời gian hoạt động thực hiện dự án đầu tư trong KCN đạt hiệu quả cao. Trong số 18 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới năm 2013 có 8 dự án là của các nhà đầu tư đã hoạt động tại các KCN, sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn đầu theo đăng ký, nay tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất với tổng vốn đăng ký tăng thêm 43 triệu USD. Trong những tháng đầu năm vừa qua, 57% số dự án FDI đầu tư vào các KCN tỉnh là của các nhà đầu tư đang thực hiện dự án trong KCN tỉnh sau thời gian hoạt động ổn định đã đăng ký thêm dự án mới hoặc đăng ký mở rộng quy mô dự án cũ.
Năm 2014, các KCN tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư gồm: khoảng 15 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 250 triệu USD và 5 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó dự kiến có khoảng 15 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng mức vốn đầu tư điều chỉnh ước tăng 50 triệu USD và 70 tỷ đồng. Với mục tiêu này, nhiệm vụ thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh thời gian tới tiếp tục cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cấp chính quyền, ngành hữu quan của tỉnh bởi kinh tế thế giới và trong nước chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét. Theo ông Phạm Thái Sơn, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, trong tình hình hiện nay công tác thu hút đầu tư của tỉnh có sự đổi mới mạnh mẽ và rõ rệt hơn nữa, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư. Để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, thay vì tìm cách thu hút tăng nhanh số lượng các dự án đầu tư, tỉnh và Ban quản lý các KCN tăng cường chọn lọc các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước tỉnh, sử dụng không nhiều đất đai và ít tác động môi trường. Các giải pháp nâng cao chất lượng, sự tiện ích của môi trường đầu tư cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết nhanh chóng và tốt nhất các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa hoạt động đầu tư vào các KCN vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả và đúng với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó ưu tiên các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ngày càng minh bạch, thuận lợi hơn; đổi mới đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN phải đồng bộ giữa phát triển công nghiệp với cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các KCN và quá trình đô thị hóa bảo đảm các điều kiện hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân KCN và khu dân cư dịch vụ phục vụ KCN.
Hiện nay, “làn sóng” các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển dịch đầu tư sang các nước ASEAN đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản hoạt động sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có trình độ công nghệ tiên tiến. Nhu cầu đất đai của các nhà đầu tư này ít nhưng hiệu quả đầu tư lại cao. Để đón “làn sóng” đầu tư này, tỉnh cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng giai đoạn 2 hạ tầng kỹ thuật các KCN tỉnh tạo mặt bằng, nhà xưởng sẵn có, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt các giải pháp này, tỉnh không chỉ vượt qua được những khó khăn hiện nay để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư mà còn phát triển các KCN một cách bền vững, phát huy tốt vai trò động lực thúc đẩy công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đức Long
dự Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà N...
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ...
Ngày 03/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có Thông cáo báo chí số ...
Ngày 4/5, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ...
Ngày 21/12, huyện Phù Cừ phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển FUJI ...
Đẹp
Bình thường
Xấu
Khác
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HƯNG YÊN
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp
Địa chỉ: Số 8, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Tel: (0221) 3524 666 Fax: (0221) 3525 999
Email: trungtamxtdt@hungyen.gov.vn
Văn phòng đại diện - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp
Địa chỉ: số 695, đường Nguyễn Văn Linh, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Tel: (0221) 3522 668 Fax: (0221) 3525 999
Chịu trách nhiệm nội dung: ông Phạm Đức Hòa – Phó Giám đốc phụ trách điều hành.
Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Hưng Yên luôn mong muốn được nhận phản hồi từ các tổ chức/cá nhân/doanh nghiệp! Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ email:
Nếu bạn có thắc mắc cần trợ giúp, vui lòng liên lạc qua số điện thoại nóng sau:
Chú ý: Nếu không liên lạc được, bạn cũng có thể gửi thông tin qua địa chỉ email trungtamxtdt@hungyen.gov.vn
Thủ tục đầu tư
Thủ tục đăng ký kinh doanh