Một lộ trình mới không thể cưỡng lại

Số lượt đọc: 2933

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định trong năm 2015, chúng ta đã giành thắng lợi toàn diện trên lĩnh vực kinh tế với tăng trưởng GDP ở mức cao, đà cải cách được đẩy mạnh và Việt Nam vượt lên trước từ 5-7 năm so với nhiều nước trong khu vực về tốc độ hội nhập. Trên cơ sở đó, đã bắt đầu một lộ trình mới tốt đẹp hơn và không thể cưỡng lại.

 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. 

Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu ý kiến của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc - đại diện cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và cơ hội cũng như thách thức của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Ba dấu ấn nổi bật 

Cách đây vài ngày, VCCI đã khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất. Đây là hoạt động chủ động của VCCI nhằm triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19, đó là hiến kế, giám sát, thúc đẩy, khảo sát các cuộc điều tra xã hội để đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ rõ, mọi văn bản được ban hành liên quan đến doanh nghiệp đều phải lấy ý kiến của VCCI.  

Chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp được quan tâm như hiện nay. Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng và tinh thần chung là lạc quan hơn trước. Tôi cho rằng năm 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã giành thắng lợi toàn diện trên lĩnh vực kinh tế, trong đó có 3 dấu ấn nổi bật nhất. 

Dấu ấn nổi bật đầu tiên là kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định và củng cố vững chắc hơn, trong khi đà tăng trưởng đã phục hồi, dự kiến khoảng 6,5%, một mức cao so với khu vực và thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục phát triển, phần lớn vẫn trụ vững được trong cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân khẳng định được vị thế, được đánh giá cao ở khu vực và cả quốc tế. 

Dấu ấn tiếp theo là sự khởi động của làn sóng cải cách thứ hai, dưới không gian hiến định mới mà Hiến pháp năm 2013 đã mở ra. Theo đó, quyền tự do kinh doanh của người dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật, điều này rất quan trọng. Trong năm 2015, Chính phủ đã tiếp tục những đột phá về cải cách thể chế kinh tế mà những mốc quan trọng là việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và việc ban hành, triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP lần thứ hai về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó đặt rõ những nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình cụ thể cho cải cách. 

Lần đầu tiên, Chính phủ có kế hoạch cụ thể, tích cực trong việc thu hẹp khoảng cách về quản trị, điều hành kinh tế với các nước ASEAN, mà một số chỉ tiêu quan trọng theo thông lệ quốc tế phải ngang tầm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Và phải khẳng định rằng chúng ta đã thành công bước đầu trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp. 

Mới đây, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử. Có thể nói Nghị quyết 19 và Nghị quyết 36a này sẽ có tác động cộng hưởng, thay đổi căn bản phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Một thành công đặc biệt quan trọng khác là Chính phủ đã kết thúc đàm phán, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu với những chuẩn mực hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành điểm giao thoa của những hiệp định thương mại lớn nhất, quan trọng nhất thế giới đầu thế kỷ 21. Với các hiệp định này, chúng ta đã đi trước nhiều nước trong khu vực từ 5 đến 7 năm. Để so sánh, cần nhớ rằng Việt Nam là người đi sau trong WTO. Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi quyết tâm cải cách trong nước và nỗ lực hội nhập quốc tế đang song hành, cộng hưởng để tạo đà cho làn sóng đổi mới lần thứ hai. 

Bên cạnh thành tựu ổn định vĩ mô và khôi phục đà tăng trưởng thì việc mở ra một giai đoạn mới về cải cách thể chế, dù mới ở giai đoạn đầu, là thành quả quan trọng nhất của nền kinh tế trong năm 2015. Nói một cách hình ảnh thì Nghị quyết 19 tạo động lực cải cách một cách tự nguyện, còn với các FTA thì cải cách như một cam kết buộc phải thực hiện. Chúng ta vẫn liên tục nói về cải cách, về đổi mới nhưng nay chúng ta đã có công nghệ để cải cách, đằng sau làn sóng cải cách thể chế hiện nay là những chuẩn mực, công nghệ quốc tế. Những thành quả cải cách này sẽ có tác động, ảnh hưởng lâu dài và bền vững tới nền kinh tế Việt Nam. 

Một chu kỳ phát triển mới 

Năm 2016 sẽ là năm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và lấy lại đà tăng trưởng. Với động lực cải cách trong nước và cơ hội rất to lớn từ các FTA, chúng ta có thể huy động nhiều nguồn lực hơn cho phát triển cả trong nước và ngoài nước. Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn. 

Riêng với đầu tư nước ngoài, khi Việt Nam đang đi trước các nước khu vực và trở thành giao điểm của các FTA, chắc chắn sẽ có sự bùng nổ một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc dịch chuyển các chuỗi giá trị từ các nước nằm ngoài TPP hay các FTA vào Việt Nam. Ví dụ, chúng ta đã nói đến rất nhiều về công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ô tô, TPP sẽ là cơ hội để thúc đẩy ngành này. Tương tự như vậy là công nghiệp phụ trợ với dệt may, da giày… Điều quan trọng là làm sao để khu vực tư nhân trong nước có thể song hành cùng khu vực FDI và cùng hưởng lợi từ các FTA. 

Thách thức lớn nhất của chúng ta vẫn là đổi mới thể chế. Muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở nên giàu mạnh thì phương cách duy nhất là tiếp tục kiên định đổi mới, đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết liệt hội nhập, trên cơ sở đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và chương trình hành động rất tích cực, cụ thể của Chính phủ. Nếu trong thời gian ngắn nhất chúng ta đạt được chuẩn mực thế giới về thể chế, về quản trị, thì Việt Nam sẽ có được một đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh- lực lượng chủ công để chúng ta hội nhập, vượt lên thành công.

Xét về lĩnh vực, nông nghiệp là đáng lo ngại nhất. Nền nông nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn là sản xuất tiểu nông, chưa theo các chuẩn mực quốc tế. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến chi phí cao, năng suất thấp và khó bảo đảm an toàn thực phẩm. Nền nông nghiệp như vậy không thể sản xuất hàng hóa, càng không thể cạnh tranh. Chúng ta xuất khẩu nhiều gạo nhưng chưa có thương hiệu. Trước kia, cá tra, cá basa và tôm của Việt Nam đã bước đầu chiếm lĩnh được các thị trường cao cấp ở Mỹ, châu Âu, nhưng đang đứng trước nguy cơ mất uy tín ở các thị trường này, đang chuyển sang những thị trường dễ tính hơn và cũng thấp cấp hơn. 

Nông nghiệp sẽ là lợi thế của Việt Nam trong hội nhập, với điều kiện phải là nền nông nghiệp công nghệ cao. Điều tất yếu là chúng ta phải tái cấu trúc nền nông nghiệp, phải tổ chức lại sản xuất trên cơ sở những điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, lao động và vị trí địa lý. Yêu cầu tương tự cũng đặt ra với ngành du lịch. 

Hội nhập là thách thức với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng có sức sống rất bền bỉ, khả năng ứng phó rất cao. Nhà nước tạo đột phá về thể chế thì doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp để trở thành các đối tác tin cậy trên thê giới. Ngược lại, để hỗ trợ cho những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, rất cần một chương trình của Nhà nước để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.  

Điều rất đáng khích lệ với cộng đồng doanh nghiệp là trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần khẳng định, chúng ta không thể giành thắng lợi trên mặt trận kinh tế nếu không có toàn dân làm kinh tế. Phải ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế, đây là nội lực mang tính quyết định. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ, đây là điều rất quan trọng để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu của người dân.

Tôi tin rằng một lộ trình tốt đẹp hơn đang bắt đầu và điều quan trọng là lộ trình ấy không thể cưỡng lại được. 

Theo Hà Chính (ghi)/chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc
Gửi ý kiến bình luận của bạn
Họ và tên
(*)
Email
(*)
Nội dung bình luận
(*)
Mã xác nhận
CAPTCHA image
Nhập mã được hiển thị ở hộp dưới đây

Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ...

Ngày 03/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có Thông cáo báo chí số ...

Ngày 4/5, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ...

Ngày 21/12, huyện Phù Cừ phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển FUJI ...

Thăm dò ý kiến
Đánh giá của bạn về cổng thông tin doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên?

Đẹp

Bình thường

Xấu

Khác



https://188betz.net/ Rikvip

 

 

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HƯNG YÊN

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp 

Địa chỉ: Số 8, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Tel: (0221) 3524 666 Fax: (0221) 3525 999

Email: trungtamxtdt@hungyen.gov.vn

Văn phòng đại diện - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp 

Địa chỉ: số 695, đường Nguyễn Văn Linh, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Tel: (0221) 3522 668 Fax: (0221) 3525 999

Email: trungtamxtdt@hungyen.gov.vn

Giấy phép số: 29/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông ngày 21 tháng 8 năm 2019 

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Phạm Đức Hòa  – Phó Giám đốc phụ trách điều hành.

 Số người online: 3      Tổng số lượt truy cập: 13.681.496          Thực hiện bởi: OrientSoft